Đèn lồng Hội An và những giá trị truyền thống Việt
Theo truyền thống các nước Châu Á, điển hình là Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, hình ảnh chiếc đèn lồng là hình ảnh vô cùng quen thuộc trong mỗi dịp Tết lớn trong năm. Trong không khí sum vầy, đoạn tụ, những chiếc đèn lồng được người dân treo rực rỡ trên đường phố, công viên, quảng trường và trước cửa nhà với ý niệm thay cho một lời chúc tương lai tốt đẹp, một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Nếu như ở Trung Quốc và Nhật Bản nổi tiếng với những chiếc đèn lồng giấy rực rỡ sắc màu, kiểu dáng thì ở Việt Nam chúng ta, chiếc đèn lồng Việtkhung tre, bọc vải lụa cũng không kém phần lung linh, huyền ảo. Đô thị cổ Hội An là nơi nổi tiếng với những chiếc đèn lồng tre được trang trí đẹp mắt với các tên gọi rất gần gũi với văn hóa người Việt như đèn lồng hình quả bí, đèn lồng hình bánh ú, hình quả cà na hay hình củ tỏi…Đèn lồng đã trở thành một “đặc sản” văn hóa của riêng cư dân Phố Hội và là nét hấp dẫn, quyến rũ với du khách thập phương những lần đặt chân tới Việt Nam.
Ai đã từng một lần đến phố cổ Hội An ắt hẳn sẽ không quên được khung cảnh bình yên, hoài cổ nơi đây. Dạo bước trên những con phố cổ, chìm đắm trong hàng ngàn thứ màu sắc đẹp đẽ, từ mái ngói rêu phong đến gánh hàng rong, khăn màu, vòng tay, túi lụa,không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh những chiếc đèn lồng được giăng kín khắp ngả đường, từ các di tích văn hóa lịch sử đến các nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí, ở mỗi nhà dân đến các quán cóc ven đường.
Theo người dân địa phương, người đầu tiên nghiên cứu và thực hiện biến chiếc đèn lồng truyền thống thành những sản phẩm độc đáo, mang đậm chất Việt là nghệ nhân tài hoa Huỳnh Văn Ba. Ông đã thổi hồn vào nó và biến nó thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc của phố Hội nói riêng và Việt Nam nói chung, có khả năng xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Năm 2005, sản phẩm thủ công, đèn lồng Hội An đã được cục sở hữu trí tuệ Việt Nam bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Đây thật sự một nét đẹp văn hóa Việt đáng được tôn vinh.
Hai nguyên liệu chính làm nên chiếc đèn lồng Việt đó chính là tre và vải lụa-những hình ảnh vô cùng quen thuộc trong đời sống người Việt. Sự mộc mạc của tre kết hợp với sự mềm mại, duyên dáng của lụa dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã làm nên những chiếc đèn lồng Việt đầy quyến rũ.Đèn lồng Hội An được sản xuất theo một quy trình thủ công khép kín. Để có được nan tre tốt người thợ phải tiến hành ngâm tre, sau đó lựa từ thân tre những đoạn tre thật già, thật chắc, đảm bảo không bị mối mọt và khả năng chống ẩm cao nhất để vót thành nan tre. Sau khi vót sơ, nan tre được đưa qua công đoạn làm sạch bằng máy tuốt. Hệ thống vòng gỗ, chuôi đèn cũng được thiết kế tinh xảo sao cho kết hợp với nan tre có thể gấp lại được.Nan được gắn vào hai vòng gỗ rồi được níu bởi những dây dù, sau đó được sửa cho cân đối. Sau khi phần khung đèn, công đoạn tiếp theo là dán đèn vào khung đèn bung ra. Vải được cắt thành nhiều mảnh tùy theo kích thước đèn rồi được dán trên khung bằng keo. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, tĩ mĩ của người thợ. Đèn lồng Việt đa dạng về kiểu dáng, phổ biến nhất là dạng tròn, tỏi, bánh ú và nhiều kiểu dáng đặc sắc khác. Ngoài ra,đèn lồng còn được tô điểm bởi nét vẽ, đường thêu những chi tiết đặc thù Đại Việt như cành đào, hoa mai, nhánh trúc, chữ thư pháp hay các di tích văn hóa lịch sử của Việt Nam. Chiếc đèn lồng thành phẩm được xếp gọn thành dạng ống nhỏ được theo tay du khách mang về quê hương trên mọi miền thế giới.
Đèn lồng Việt – Tự hào bản sắc Việt
Ngày nay, khi rảo bước trên những con phố ở các tỉnh thành trong cả nước, ta vẫn vô tình bắt gặp hình bóng những chiếc đèn lồng rực rỡ dưới nắng, lung linh, huyền bí về đêm từ các cửa hàng đặc sản quê hương hay những khách sạn, nhà hàng Việt. Đèn lồng còn là điểm nhấn hoài cổ cho những khu biệt thự sân vườn. Đèn lồng còn sử dụng trang trí trong các dịp lễ tết, các sự kiện giao lưu văn hóa như một nét đẹp truyền thống độc đáo lâu đời. Trong cuộc sống đời thường, đèn lồng Việt còn là biểu tượng thiêng liêng và được bố trí ở những gian thờ cúng, chùa chiền. Theo các nhà nghiên cứu biểu tượng văn hóa của thế giới thì ý nghĩa biểu trưng của cái đèn gắn với ý nghĩa của sự toả sáng. Ngọn đèn là một biểu tượng của con người. Việc cúng dâng đèn vào một điện thờ cũng có nghĩa là tự hiến dâng mình, đặt mình dưới sự bảo vệ của các đấng vô hình và các thần bản mệnh. Đèn lồng Việt còn là vật phẩm trang trí trong nhà để gợi nhớ quê hương của những người Việt xa xứ trên mọi miền thế giới.
Ngày nay, đèn lồng Việt đang chịu cạnh tranh rất lớn của các sản phẩm đèn lồng nhựa Trung Quốc về mặt giá thành, và mẫu mã.Và thật đáng buồn khi hình ảnh những chiếc đèn lồng Trung Quốc kém chất lượng và chứa chất độc hại lại dần dần xuất hiện nhiều trên đường phố, và ở mỗi nhà dân người Việt, làm lu mờ đi những giá trị thuần khiết của chiếc đèn lồng Việt duyên dáng,thắp sáng nụ cười đôn hậu cư dân phố Hội từ ngàn đời nay.
Với mỗi quốc gia, trong mỗi giai đoạn lịch sử, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc luôn là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu của sự phát triển, là linh hồn, sức sống của mỗi quốc gia.Chính vì vây, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc phải đóng vai trò quan trọng trong chính tầm thức của mỗi người Việt. Niềm tin vào hàng Việt chính là động lực cho mỗi doanh nghiệp không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đẩy lùi sự lan tràn của hàng kém chất lượng. Thương hiệu đèn lồng Việt đang từng bước nổ lực để trở thành một sản phẩm Việt uy tín, chất lượng, đậm bản sắc Việt,không những ngày càng gắn bó hơn với đời sống Việt mà còn xứng đáng là niềm hãnh diện của người Việt với bạn bè thế giới.
Đèn lồng Việt– Tự hào bản sắc Việt !
One thought on “Đèn lồng Hội An và những giá trị truyền thống Việt”