Đèn lồng – Vẻ đẹp độc đáo của phố cổ Hội An
Ai đã từng đến phố cổ Hội An một lần hẳn sẽ mong được trở lại bởi khung cảnh, con người ở đây quá đỗi yên bình. Bộ hành phố đêm dưới ánh sáng lung linh từ hàng trăm chiếc đèn lồng, bạn sẽ thấy con phố nào của Hội An cũng dịu dàng và quyến rũ kỳ lạ.
Hội An được biết đến là một chứng tích cho thời gian vĩnh cửu bởi dấu vết thời gian hiện diện rõ ràng trên từng con phố, mái ngói bờ tường rêu phong. Trải qua hàng trăm năm, qua bao thời đại hưng thịnh rồi suy vong, nhưng gần như độc nhất vô nhị trong biên niên sử hiện đại, Hội An vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả một quần thể di tích cổ phong phú và đa dạng. Ở đó, phố xá, bến cảng, kiến trúc hiện hữu bất chấp mọi quy luật khắc nghiệt của lịch sử, thời gian. Nhưng có lẽ cái được bảo tồn nguyên vẹn một cách diệu kì lại là con người Hội An với truyền thống văn hóa lâu đời, là tập quán sinh hoạt, là nếp sống văn minh, lành mạnh, là những lễ hội dân gian đặc sắc đã làm nên một Hội An tinh khiết, một Hội An đầy bản sắc dân tộc. Hội An của nguồn cội của những gì trong sáng nhất.
Sự ngủ quên của một gian hàng cổ sầm uất tại Việt Nam ngày nào nay đã không còn bị đi vào quên lãng. Đã từ lâu lắm rồi, phố cổ Hội An mới được khoác lại chiếc áo rực rỡ của những chiếc đèn lồng muôn sắc màu. Cái đẹp bừng thức dậy sau một giấc ngủ dài, người nghệ sĩ mải mê đi tìm cái đẹp đã bắt gặp và say mê, cảm hứng sáng tạo vô bờ bến là ở đây. Đằng sau góc khuất của phố thị trầm tư, nâu sẫm một màu thời gian là vẻ đẹp đầy sinh lực của những mầm sống mới đang vươn mình trỗi dậy. Những làng nghề cổ truyền được tái sinh. Nghề làm đèn lồng ở Hội An được hồi sau từ sau năm 1980 khi xã hội Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới. Chiến tranh đã qua đi nhưng nó không thẻ hủy diệt được cuộc sống và nền văn hóa truyền thống ở đây với những lành nghề cổ với những con người Hội An hiền hòa, cần cù và bất khuất.
Nghề làm đèn lồng Hội An có lẽ xuất hiện cùng thời gian phố thị hưng thịnh nhất vào khoảng thế kỷ thứ 15. Cùng lúc những thương điếm, hội quán, những ngôi nhà ở được xây cất lên, chùa cầu được xây dựng, tất nhiên phải nhờ vào bàn tay khéo léo của những người thợ Kim Bồng Hội An. Phải chăng nghề làm đèn lồng cũng ra đời tại chỗ khi nó là một phần không thể thiếu được trong quần thể kiến trúc nhà kiểu Hoa Nhật ở Hội An. Những thương nhân người Hoa, người Nhật xưa kia bên bờ sông Thu Bồn buôn bán và họ xây dựng những ngôi nhà mang dáng dấp quê hương mình để nguôi ngoai nỗi buồn xa xứ. Vẻ đẹp thuần khuất êm đềm của Hội An, chỉ có ai đã từng đến với Hội An dù chỉ một lần mới cảm nhận được hết được. Vẻ đẹp ấy hòa tan trong không gian lắng đọng theo những xúc cảm của mỗi người. Ta có cảm giác được trở về nhà an bình, thân quen, ấm áp. Cái xúc cảm mà những thành phố hiện đại và cuộc sống công nghiệp hóa đã bị đánh mất từ lâu.
Đèn lồng luôn được treo cao trước mỗi hiên nhà hay trước những hội quán. Ai ai cũng phải ngước nhìn, nó là nét duyên ngầm của phố Hội, là sự hội tụ chắt lọc của những tinh hoa văn hóa từ nhiều quốc gia đến Việt Nam từ thế kỷ trước, là biểu tượng độc đáo của Hội An hay của chính con người Hội An lặng lẽ, bình dị lại vừa cao sang. Đèn lồng có mặt trên khắp các con phố Hội An. Có người đã gọi Hội An là phố đèn lồng. Để đèn lồng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật, quan trọng nhất là ở khâu chọn tre làm khung gọi là lên cốt. Tuy theo mẫu mã đèn, tre được cắt thành từng đoạn theo kích thước riêng. Khung đèn đạt yêu cầu là hình gì thì cắt ra hình nấy không chông chênh, méo mó. Chiếc đèn lồng là sản phẩm hoàn toàn thủ công nhờ những bàn tay tài hoa mà không phải qua một phương tiện hiện đại nào cả, điều đó hấp dẫn du khách từ phương xa tới. Một vài năm trở lại đây, đèn lồng Hội An đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế bởi chất lượng và giá cả hợp lý.
Nghề làm đèn lồng trải qua 400 năm tuổi. Tùy màu sắc, chất liệu vải mà đèn mang ý nghĩa khác nhau. Màu đỏ may mắn, màu vàng tươi vui, màu gấm huyết dụ kiêu sa, sác xanh dịu ngọt. Những chiếc đèn lồng có tuổi hàng thế kỷ hay được chế tác từ gỗ quý, trạm trổ cầu kỳ chỉ được trưng ra trong đêm hội hoa. Quy trình làm đèn gồm 2 giai đoạn, tre ngâm kĩ 10 ngày bằng nước muối, phơi khô, chẻ ra, vót thành thành nan mỏng. Nan được gắn vào hai vòng gỗ, hai đầu kết nối bằng sợi dây dù. Vải bọc thường là vải xoa, hay vải lụa tơ tằm. Khi căng vải người thợ phải khéo léo để căng thẳng góc ở đoạn cong. Vải bọc đèn được lựa chọn từ những tấm lụa Hà Đông chính hiệu mới cho ra ánh sáng huyền ảo, các hoa văn, họa tiết trên nền màu lung linh, huyền ảo. Người thợ dán lụa phải có hoa tay và mắt mỹ thuật, phải căng tròn đều. Khâu cuối cùng là làm đẹp cho đèn, gắn tua màu và trang trí mỹ thuật.
Một thế kỷ đã trôi qua với dòng sông Thu Bồn với nhiều biến động, bình yên, chiến tranh và thiên tại, còn lại tất cả những gì thì đã phai mờ theo năm tháng. Còn lại những sinh hoạt văn hóa, những lễ hội dân gian là niềm tự hào của cộng đồng dân cư đô thị cổ tựa như chiếc đèn lồng tô điểm thêm cho vẻ đẹp kín đáo, kiêu kì của phố thị. Chiếc lồng đèn đã thắp sáng lên cho một vùng đất của những con người thanh lịch, chân tình đem ánh sáng ban phát cho những du khách đưa họ ngược trở về quá khứ để sống trong không khí các loại hình văn nghệ dân gian và lễ hội của người xưa.
Hàng nghìn chiếc đèn lồng nhấn nhá sắc màu làm hoành tráng lên cho đêm giao thừa. Thấp thoáng đâu đó dưới những ánh đèn lung linh huyền ảo là những đường nét tinh tế, mỹ thuật của những nghệ nhân làm lồng đèn Hội An. Đêm đã về khuya, cả thành phố được chiếu sáng bởi những chiếc đèn đa màu sắc. Hội An như hư, như thực. Sự giao thoa giữa trời đất và con người đưa ta về với nguồn cội ban sơ. Những chiếc đèn lồng như những vì sao mơ ước trong bầu trời đêm cho ta bay đến một cuộc sống hiền hòa hơn, cao đẹp hơn. Người nghệ sĩ vẫn vội vã vẽ quên cả thời gian mà không biết rằng chiếc đèn lồng vẫn còn sống mãi như một biểu tượng đẹp về đời sống văn hóa của một vùng đất đầy huyền thoại, lãng mạn mà nên thơ – vùng đất Hội An.
Nguồn: Vaba