Tết Trung Thu Việt Nam – Những giá trị truyền thống cần lưu giữ
Cứ mỗi độ thu đến, khi khí trời trở nên se lạnh, nắng vàng như mật ong, lá rụng đầy trước sân nhà báo hiệu một mùa Trung Thu lại về. Tết Trung thu ở Việt Nam diễn ra vào Rằm tháng Tám theo lịch Âm của người Việt. Đây là khoảng thời gian trăng đẹp nhất trong năm, mọi người đều tất bật quét dọn, sắm sửa, trang trí nhà cửa với những chiếc đèn lồng đỏ và chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, trăng rằm. Mâm cỗ cúng của người Việt đơn sơ và giản dị vô cùng với vài ba món hoa quả, mâm trà, vài cặp bánh Trung Thu để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, sung túc đầy đủ. Chính vì vậy, bánh Trung Thu cổ truyển cũng như những chiếc đèn lồng từng bước từng bước trở thành nét truyền thống mà mỗi người dân đất Việt còn lưu giữ đến tận bây giờ.
Tết Trung Thu là tết của gia đình, tết của tình thân, tết đại đoàn viên, nhà nhà người người quay quần sum họp bên nhau kể cho nhau nghe bao chuyện vui, sẻ chia bao nỗi buồn. Riêng đám trẻ con lại háo hức phá cổ trông trăng và cùng nhau rước đèn. Đồ chơi Tết Trung Thu cũng được xem là một trong những nét đặc sắc truyền thống với trống ếch, mặt nạ thú, đèn lồng và đèn kéo quân …
Đêm Trung Thu rộn ràng tiếng múa lân rộn ràng náo nức hòa cùng tiếng nói cười vui đùa của bầy trẻ và thứ ánh đèn màu sắc rực rỡ, ấm áp phát ra từ những chiếc đèn Trung Thu len lõi trong từng con phố, các ngõ. Những chiếc đèn Trung Thu được xem là vật đặc trưng không thể thiếu vào dịp lễ này, từ xưa hình ảnh người cha cặm cụi vót tre đan thành từng lớp từng lớp tạo hình cho lồng đèn, cẩn thận phủ lớp bóng kính đầy màu sắc với đủ hình đủ dạng cho đến hình ảnh của những chiếc đèn được cách tân, sử dụng các loại đèn pin đủ kiểu dáng thay thế.
Tuy nhiên nổi bật nhất phải kể đến những chiếc đèn lồng Hội An và đèn kéo quân được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người con nơi phố cổ Hội An đầy tinh hoa và tỉ mỉ này. Từ khâu chọn tre, xử lí tre cho đến chọn vải bọc của đèn lồng nhất định phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, có độ co giãn tốt. Để tạo ra những chiếc đèn kéo quân thân gỗ chạm khắc hoa văn tinh xảo phải trải qua rất nhiều công đoạn hơn nữa. Vì thế, Đèn lồng Hội An cùng đèn héo quân không chỉ là thứ vật dụng đặc trưng vào mỗi dịp lễ Tết mà chúng còn góp phần tạo nên nét truyền thống của nơi phố cổ, nét truyền thống mà người Việt cần gìn giữ qua tháng năm.
Tết Trung Thu mang ý nghĩa của tình yêu thương, của sự báo hiếu của con cháu đối với tổ tiên, của tình bằng hữu, của đoàn tụ và là dịp để người xưa đoán định mùa vụ, thiên tai. Hơn hết, nó còn lưu giữ những nét truyền thống, văn hóa đặc sắc từ thời ông cha ta để lại, góp phần làm phong phú bản sắc Á Đông của dân tộc Việt .
Nguồn: Đèn lồng Việt