Single Blog

Cha đẻ chiếc đèn ‘thần kỳ’ làm từ chai nhựa: “Ánh sáng thuộc về tất cả mọi người”

 Phát minh của Alfredo Moser đã giúp thắp sáng thế giới. Năm 2002, người thợ máy Brazil này đã nghĩ ra cách tạo ra một chiếc đèn có thể tỏa sáng không cần điện và trong 2 năm qua, phát minh này đã lan tỏa đi khắp thế giới, dự kiến sẽ đến ít nhất 1 triệu gia đình vào năm tới. 

Chiếc đèn này hoạt động như thế nào? Alfredo Moser cho biết đơn giản nó chỉ phản xạ lại ánh sáng mặt trời.

Chiếc đèn siêu “sạch”

Chiếc đèn của Moser được tạo ra từ việc đổ đầy nước vào một chai 2 lít. Tiếp đó ông cho vào trong hai muỗng thuốc tẩy để nước không đổi màu xanh vì tảo. “Chai càng sạch, kết quả càng tốt” – ông nói.

Sau khi đã có chai nước, Moser sẽ khoan một lỗ trên mái nhà. Rồi ông đẩy cái chai lên trên lỗ thủng, theo hướng để chai chĩa xuống đất và cổ chai hướng lên trời để đón ánh sáng. “Cái chai được gắn với mái nhà bằng keo polyester. Ngay cả khi trời mưa, mái cũng sẽ không thể bị dột” – ông cho biết.

 

Cha đẻ chiếc đèn thần kỳ làm từ chai nhựa: Ánh sáng thuộc về tất cả mọi người

Moser và những chiếc đèn chai do ông tạo ra

Chiếc đèn này hoạt động hoàn hảo với một cái nắp có màu đen. Sau khi Moser lắp xong đèn, một kỹ sư đã tới và đo đạc ánh sáng. Tùy thuộc vào việc mặt trời đang ở vị trí nào mà chiếc đèn có thể tỏa ra ánh sáng mạnh từ 40-60 watt. Nó hoàn toàn sạch sẽ, không tiêu thụ năng lượng và không tỏa ra các loại khí gây hại môi trường.

Moser lấy cảm hứng tạo ra chiếc đèn như hiện nay từ một lần Brazil trải qua đợt mất điện liên tục trong năm 2012. “Những nơi duy nhất có điện là các nhà máy, không phải trong các gia đình” – Moser nói về thành phố Uberaba ở Nam Brazil, nơi ông đang sinh sống.

Moser và bạn bắt đầu băn khoăn, không biết trong tình huống khẩn cấp như máy bay gặp nạn… thì người ta sẽ dùng thứ gì để báo động cho mọi người biết. Khi đó, sếp của các ông có nói tới việc dùng chai nhựa bỏ đi, đổ đầy nước vào trong và sử dụng nó như một thấu kính để hội tụ ánh sáng mặt trời vào cỏ khô. Theo cách này, người ta có thể tạo lửa và khói để người khác phát hiện và tìm tới cứu.

Kể từ lúc đấy, ý tưởng trên đã sáng lên trong đầu Moser. Ông bắt đầu đổ nước vào chai để tìm cách hội tụ ánh sáng. Chiếc đèn của ông đã ra đời trong quá trình mày mò thử nghiệm đó. 

Không giàu có nhờ phát minh ấn tượng

“Tôi chẳng có bản vẽ thiết kế nào cả” – ông nhớ lại – “Đó là một thứ ánh sáng thần kỳ. Chúa đã mang ánh sáng mặt trời tới cho mọi người và ánh sáng thuộc về tất cả mọi người. Ai dùng nó cũng đều tiết kiệm được tiền. Anh cũng không thể bị điện giật chết khi sử dụng nó”. 

Moser đã lắp những chiếc đèn – chai nước của ông tại nhà của hàng xóm và một siêu thị ở địa phương. Mặc dù Moser có kiếm được vài đồng tiền công từ việc lắp đặt, tới giờ ông vẫn sống trong ngôi nhà cũ, lái một chiếc xe cà tàng sản xuất từ năm 1974. 

“Cho dù ông ấy có nhận được giải Nobel hay không, chúng tôi muốn ông biết rằng có rất nhiều người ngưỡng mộ những gì ông ấy đang làm” (Angelo Diaz, Giám đốc Quỹ MyShelter ở Philippines).

Phát minh của ông chứa đựng ý nghĩa lớn lao, nhưng nó không làm ông trở nên giàu có. Thứ duy nhất nó mang lại cho ông là cảm giác tự hào lớn lao. 

“Có một người đàn ông đã lắp những chiếc đèn này và trong vòng có 1 tháng, anh ấy tiết kiệm đủ tiền để chi trả nhiều thứ thiết yếu cho đứa con sắp chào đời của mình. Bạn có thể tưởng tượng được không?” – ông nói.

Carmelinda, người sống với Moser suốt 35 năm qua, cho biết chồng bà đã rất giỏi trong việc làm các đồ vật trong nhà, gồm những chiếc bàn và giường gỗ rất đẹp. 

 

Cha đẻ chiếc đèn thần kỳ làm từ chai nhựa: Ánh sáng thuộc về tất cả mọi người

                       Những chiếc đèn đơn giản này đã có ảnh hưởng cực lớn lên đông đảo người trên thế giới

Một người hùng khiêm tốn

Nhưng bà không phải là người duy nhất ca ngợi phát minh của chồng. Illac Angelo Diaz, giám đốc điều hành Quỹ MyShelter ở Philippines, cũng đánh giá cao sản phẩm sáng tạo của ông. 

MyShelter chuyên tạo ra các ngôi nhà sử dụng vật liệu sẵn có, dễ kiếm như tre, săm lốp và giấy. Diaz cho biết MyShelter từng làm nhà bằng cách đổ bùn vào trong các chai nhựa và rồi dùng những chai đó để xây tường. Trong lúc làm nhà theo cách này, MyShelter đã tình cờ biết tới cách thức tạo ánh sáng trong nhà của Moser. Vậy là MyShelter bắt đầu tạo nên những chiếc đèn chai từ năm 2011.

Tại Philippines, nơi có 1/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ và điện là một mặt hàng khá xa xỉ, ý tưởng về đèn chai đã nhanh chóng được đón nhận. Giờ đèn chai đã xuất hiện ở 140.000 gia đình nơi đây, mang lại ánh sáng quý giá cho nhiều người nghèo. Ý tưởng đèn chai cũng xuất hiện ở 15 nước khác, từ Ấn Độ tới Bangladesh, Tanzania, Argentina,  Fiji…

Diaz ước tính rằng khoảng 1 triệu người sẽ được hưởng lợi nhờ đèn chai từ đầu năm tới. “Alfredo Moser đã thay đổi vĩnh viễn cuộc sống của rất nhiều người” – ông nói – “Cho dù ông ấy có nhận được giải Nobel hay không, chúng tôi muốn ông biết rằng có rất nhiều người ngưỡng mộ những gì ông ấy đang làm”.

Vậy cá nhân Moser có bao giờ tưởng tượng phát minh của mình lại có ảnh hưởng lớn như vậy? “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng tới viễn cảnh đó cả” – Moser nói và nhún vai xúc động – “Thật vô cùng hãnh diện khi nghĩ về điều đó”. 

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *