“Tết trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trên tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đi đến cung trăng”
Với bất kỳ ai đã từng trải qua tuổi thơ ấu ở Việt Nam ắt hẳn sẽ không xa lạ với những câu hát ngân nga này, bởi chúng gợi nhắc chúng ta nhớ đến những kí ức rộn ràng đầy màu sắc trong dịp lễ Trung thu vào tháng Tám âm lịch hàng năm, một phong tục truyền thống của người Việt. Tháng Tám âm lịch theo truyền thuyết là đêm thu đẹp nhất trong năm vì trăng to tròn, sáng và đẹp. Tiết trời mát mẻ, và là những ngày nông nhàn, người dân tận hưởng cảm giác yên bình, thanh thản sau những ngày lao động mệt nhọc. Trong dịp này người Việt làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.Gia đình sum tụ,con cháu bày tỏ tấm lòng biết ơn đến ông bà tổ tiên và người đời tỏ lòng quan tâm lẫn nhau. Nhân dịp tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng và hát trống quân; trẻ con thì rước đèn lồng, xem múa lân, ca hát những bài hát Trung thu, vui hưởng mâm cỗ trái cây. Đây còn được coi là cái tết của trẻ con, gọi là “Tết trông trăng”. Trẻ con được vui chơi thỏa thích và được người lớn tặng bánh trung thu cùng những chiếc đèn trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn thỏ ngọc, đèn cá chép…Tết Trung thu đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Hình ảnh chiếc đèn lồng truyền thống dường như không chỉ là món quà ý nghĩa trao tặng trẻ con nhân ngày lễ Trung thu mà còn là kỉ vật của người lớn gợi nhớ về một miền tuổi thơ đầm ấm quây quần bên gia đình, bạn bè. Đèn lồng trung thu truyền thống được làm từ tre và giấy kính, trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là việc chọn lựa những đoạn tre tốt, sau đó chẻ, vót, cắt nan và lên khung. Sau khi khung hoàn thành, giấy kính được dán lên. Công đoạn cuối cùng là vẽ hoa văn trang trí .Đèn lồng trung thu truyền thống với nhiều kiểu dáng con vật khác nhau với những ý nghĩa tượng trưng dân gian được gửi gắm: đèn thỏ biểu hiện cho mặt trăng, đèn con cóc biểu hiện hàm ý cầu mưa thuận gió hòa, đèn cá chép bắt nguồn từ tích cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa rồng với ý nguyện cầu cho nhân hòa, vật thịnh, con cháu gioi giang. Đèn lồng trung thu truyền thống còn nhiều kiểu dáng mô phỏng nhiều hình ảnh đẹp khác thu hút trẻ con. Hàng năm, vào dịp người Việt khắp nơi lại tổ chức những ngày cuộc thi làm đèn lồng, giá trị văn hóa cũ dựa trên sự sáng tạo mới đã tạo ra vô vàn kiểu dáng đèn lồng rực rỡ. Dưới trăng rằm, trẻ con ngân nga khúc hát bên ánh đèn trung thu lung linh, những nụ cười háo hức trong tiếng trống lân giòn giã .Trung thu Việt đẹp thế đó !
Đèn bươm bướm |
Đèn ông sao |
Ngày ấy, tuy cuộc sống vất vả, nhưng trẻ con luôn trông mong, háo hức chờ đón ngày Tết trung thu. Trong suy nghĩ người lớn và tâm hồn trẻ con, Trung thu thật rộn ràng và đáng trân trọng biết bao nhiêu. Dường như những điều đó bây giờ chỉ còn giữ lại trọn vẹn ở các vùng sâu, khó khăn, đời sống đô thị hóa chưa tiếp cận tới. Ở những thành phố lớn bây giờ, cuộc sống bận rộn hơn, vật chất đầy đủ hơn. Thế nhưng, ngày lễ trung thu lại chỉ còn cảm nhận như một ngày lễ bình thường, người lớn thờ ơ, trẻ nhỏ không háo hức trông mong như trước. Trong những thay đổi chuyển biến trong đời sống người Việt ấy,dưới sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và các văn hóa ngoại nhập khác, nét truyền thống cổ truyền lại đang dần bị phai nhạt. Ánh đèn ông sao khiêm tốn nép mình sau la liệt những đồ chơi ngoại nhập sản xuất hàng loạt, sơn màu lòe loẹt, ánh nến ấm áp lan tỏa ngày nào thay thế bởi ánh đèn điện chớp nháy. Những đồ chơi nghèo nàn giá trị văn hóa ấy lại được bày bán tràn ngập khắp phố phường Việt và đang dần dần chiếm lĩnh thị trường Việt.
Nguyên nhân chính không nằm ở sự đua đòi của trẻ con, mà nằm trong chính ý thức của người lớn. Chính sự chiều theo ý muốn của trẻ con và không định hướng cho trẻ con về lại những giá trị truyền thống Việt có tính giáo dục đã vô tình tạo điều kiện cho những giá trị văn hóa nước ngoài xâm nhập, mai mọt văn hóa người Việt. Lựa chọn đồ chơi Trung thu cho trẻ là việc của mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ nhưng có ý nghĩa xã hội sâu sắc. “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” chính là tạo điều kiện cho hàng nội phát triển, để tạo ra các sản phẩm thuần Việt thực sự hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của trẻ con.
Ánh đèn lồng trung thu truyền thống vẫn trông mong sự thắp sáng trở lại của những tâm hồn trẻ thơ Việt, tôn vinh, giữ gìn một bản sắc văn hóa Việt, để hình ảnh chị Hằng Nga, Chú cuội vẫn thắm mãi trong kí ức tuổi thơ, để không khí Tết trung thu vẫn mãi rộn ràng và đáng trông đợi trong lòng mỗi trái tim Việt.